[NADS] - Sáng 13/3, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP.Đà Nẵng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam, đồng thời khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đà Nẵng - Thành tựu và khát vọng”. Đến dự có các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.
[NADS] - Sáng 13/3, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật TP.Đà Nẵng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam, đồng thời khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đà Nẵng - Thành tựu và khát vọng” và công chiếu Tuần phim Tháng Ba tại Rạp Chiếu phim Lê Độ.
Đến dự có các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Các đại biểu: đồng chí Ngô Thị Kim Yến, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; đồng chí Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Về phía Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Anh, Ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo và các vị đại biểu khách mời, cùng toàn thể anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh và điện ảnh Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi kỉ niệm, ông Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Đà Nẵng không chỉ “có duyên” với nhiếp ảnh ngay từ thuở ban đầu như đã nêu trên mà còn “có duyên” với cả điện ảnh khi nghệ thuật thứ bảy vừa mới phôi thai: Sau khi sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, chỉ một năm sau - năm 1896, Auguste Lumière và Louis Lumière đã cử Gabriel Veyre đến làng ven biển Nam Ô để quay các trẻ em chạy chung quanh Gabriel Veyre lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng. Đây được xem là phim đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, quay thành hai đoạn ngắn với thời lượng chưa đầy 2 phút, có tựa đề Le Village de Namo - Panorama pris d’une chaise à porteurs, sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và châu Âu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh thế giới.
Hiện nay, Đà Nẵng là một trong ba địa phương trong cả nước (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) vừa có Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật vừa có Hội Điện ảnh - đều trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố. Ngoài ra còn có Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn về tay nghề để được kết nạp vào hội chuyên ngành Trung ương, là thước đo chất lượng hội viên của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố và Hội Điện ảnh thành phố. Chỉ tính riêng 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, những người làm điện ảnh Đà Nẵng liên tục gặt hái thành tựu trong nghề.
Có thể kể đến Nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn Huỳnh Hùng với một số bộ phim tài liệu nghệ thuật như: Người giữ thành Hà Nội hoặc Con mắt còn có đuôi... Nhân vật chính trong hai phim vừa nêu là Hoàng Diệu và Phan Khôi - hai người Quảng với nhân cách ngời sáng trong cùng một không gian nghệ thuật là Hà Nội. Đáng chú ý là phim Chiếc chiếu của bà Bứa/ Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu từng đoạt giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu Châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013. Nhà văn Trần Trung Sáng từng nhận xét: “Giải Ogawa Shinsuke cho bộ phim Mrs Bua's Carpet của đạo diễn Dương Mộng Thu như một cú hích cho điện ảnh Đà Nẵng, vốn được xem là còn non trẻ nhất so với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác của thành phố”. Trước đó, tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Jean Rouch 2012 ở Paris, Chiếc chiếu của bà Bứa đã được một thư viện công của Pháp mua bản quyền.
Và mang “chuông” điện ảnh Đà Nẵng đi “đánh xứ người”, ngoài Dương Mộng Thu sang Nhật còn có đạo diễn Đoàn Hồng Lê từng qua Pháp với Đất đai thuộc về ai - phim đoạt giải Ba tại Liên hoan phim Cameras des Champs năm 2011 và sang Hàn Quốc với Lời cuối của cha - phim được trao giải thưởng trong hạng mục “Dự án phim tài liệu dài” tại Liên hoan phim quốc tế DMZ 2015. Cả hai phim tài liệu này đều được làm theo phong cách Varan - phong cách điện ảnh trực tiếp/cinema direct.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, nhiều NSNA cũng làm rạng danh nhiếp ảnh Đà Nẵng như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên với vị trí quán quân trong danh mục các nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng, văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói chung đoạt giải quốc tế. Chỉ tính riêng huy chương vàng, năm 2004, Che chở của Thân Nguyên đoạt Huy chương vàng duy nhất trong Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Paris; năm 2013, Nương tựa đoạt Huy chương Vàng FIAP tại Canada, rồi đến năm 2014 lại tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Salon tại Ấn Độ; cũng trong năm 2014, Làm lốp đoạt Huy chương Vàng Salon tại Serbia; năm 2015, Nương tựa tiếp tục đoạt Huy chương Vàng F2 tại Achentina, Huy chương Vàng PSA tại Serbia và Cá ngừ đoạt Huy chương Vàng Salon tại Mecedonia; mới đây nhất - năm 2016, Che chở số 10 cùng lúc đoạt Huy chương Vàng Salon tại Pháp và Huy chương Vàng PSA tại Ukraina; Bắt tôm đoạt Huy chương Vàng PSA tại Ukraina và Thức ăn cho vịt đoạt Huy chương Vàng IUP tại Ấn Độ. NSNA, Nhà báo Đặng Văn Nở với Em bé Cơtu đoạt Huy chương Vàng FIAP 2013 tại Việt Nam; Nguyễn Văn Thành với Đăng Xiệp đoạt Huy chương Vàng FIAP 2015 tại Tây Ban Nha và Quảng Hải với Mắt Chăm đoạt Huy chương Vàng FIAP 2016 tại Serbia. Năm 2020, riêng nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền đã đoạt trên 10 Huy chương Vàng trong các cuộc thi ảnh quốc tế 3RD International exhibition of photography 2020; Malaysia Internationnal salon of photography 2020; Southern Light Photo Circuit (SLPC) 2020 với tác phẩm Sunset/Hừng đông…
Dịp này, BTC cũng đã công bố và trao Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022 cho NSNA Ông Văn Sinh đã đạt giải C với tập sách ảnh “Đà Nẵng: Ký ức và Hiện tại” và NSNA Huỳnh Văn Truyền tác phẩm ảnh “Cuộc chiến chống giặc lửa ngày mồng 3 Tết”.
Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng cũng đã trao tặng Giải thưởng Điện ảnh năm 2022 cho các tác phẩm có chất lượng tốt cho nhóm tác giả gồm: “Ghi chép 12 ngày đêm” của Nhóm tác giả Đoàn Hồng Lê - Đặng Lê Thế Phong - Đặng Tiến Nhựt; “Trên đôi chân trở về” của Nhóm tác giả Phạm Hồng Liên - Nguyễn Văn Thanh - Đoàn Hùng Anh; “Tuyến đầu” của Nhóm tác giả Đặng Quốc Phồn - Bá Vĩnh - Thành Đồng và “Khi Quốc tế ca vang lên trên xứ đạo” của Nhóm tác giả: Hồng Quang Năm - Trọng Huy - Thành Đồng - Văn Bứu.
Được biết, chào mừng 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, cũng là 70 năm Ngày truyền thống Điện ảnh Việt Nam, từ đầu tháng 3 năm 2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật như: Triển lãm ảnh nghệ thuật Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh; Triển lãm ảnh nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và Khát vọng do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Hải Châu; Tuần lễ phim Việt Nam tại Rạp Lê Độ do Hội Điện ảnh thành phố phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố tổ chức với bảy bộ phim nổi tiếng: Bao giờ cho đến tháng 10, Cánh đồng hoang, Tự thú trước bình minh, Cô gái trên sông, Mối tình đầu, Mùa nước nổi, Về nơi gió cát … từ tối ngày 13 đến tối ngày 19/3/2023.
Nguồn: VAPA -Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống [NADS] - Ảnh: Kim Liên